Do Thái giáo Tội_lỗi

Theo quan điểm Do Thái giáo (Judaism), tội lỗi là vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Do Thái giáo dạy rằng tội lỗi là một hành động, không phải là một trạng thái. Nhân loại được tạo dựng vốn có khuynh hướng về tội lỗi ("vì tâm tánh loài người vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ", Sáng thế ký 8. 21), nhưng cũng có khả năng khống chế khuynh hướng này ("tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải thắng hơn", Sáng thế ký 4.7), và có quyền tự do chọn lựa giữa điều tốt và cái xấu ("Hãy tránh điều dữ và làm điều lành, thì sẽ được ở đời đời" Thi thiên 37.27). Do Thái giáo sử dụng thuật ngữ "tội lỗi" bao hàm sự vi phạm luật pháp Do Thái, không đồng nghĩa với sự suy đồi đạo đức. Theo bách khoa toàn thư Do Thái, "Con người chịu trách nhiệm về tội lỗi bởi vì con người được ban cho ý chí tự do ("behirah"); nhưng bản chất con người là yếu đuối: "Vì tâm tánh loài người vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ" (Sáng thế ký 8.21; Yoma 20a; Sanh. 105a). Vì vậy, Thiên Chúa, bởi lòng thương xót của Ngài, cho phép con người ăn năn và được tha thứ. Do Thái giáo cho rằng mọi người đều phạm tội vào những thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời, và tin rằng Thiên Chúa vừa công bình vừa thương xót.

Từ aveira trong tiếng Hebrew chỉ mọi loại tội lỗi. Lập nền trên Kinh Thánh Hebrew, Do Thái giáo miêu tả ba cấp độ của tội lỗi.

  • Pesha hay Mered – tội cố ý; hành động phạm tội xuất phát từ tấm lòng chống nghịch Thiên Chúa;
  • Avon - Tội do dâm dục hoặc do cảm xúc không kềm chế được. Ấy là sự phạm tội có ý thức, nhưng không phải từ sự phản nghịch Thiên Chúa;
  • Cheit - Tội lỗi do vô tình.

Do Thái giáo tin rằng không ai là trọn vẹn, mọi người đều phạm tội và phạm tội nhiều lần. Dù vậy, có một vài tội (avon hoặc cheit) không bị đoán phạt đến nỗi hư mất; chỉ có một hoặc hai trọng tội là có thể dẫn con người đến sự đoán phạt trong hoả ngục theo khái niệm được miêu tả trong Kinh Thánh. Theo quan điểm của Rabbeinu Tam trong kinh Talmud Babylon (tractate Rosh HaShanah 17b), Thiên Chúa có mười ba thuộc tính của lòng thương xót:

  1. Thiên Chúa thương xót trước khi một người phạm tội, ngay cả khi Thiên Chúa biết người ấy có khả năng phạm tội.
  2. Thiên Chúa thương xót tội nhân ngay cả sau khi người ấy phạm tội.
  3. Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót trong những trường hợp mà con người không dám mong đợi được thương xót hoặc không xứng đáng với sự thương xót.
  4. Thiên Chúa đầy lòng thương xót và luôn gia ơn để giảm nhẹ sự trừng phạt tội lỗi.
  5. Ân sủng của Thiên Chúa dành cho những người không xứng đáng.
  6. Thiên Chúa chậm giận.
  7. Sự nhân từ của Thiên Chúa là dư dật.
  8. Thiên Chúa là đấng chân thật, do đó chúng ta có thể tin cậy vào lời hứa của Ngài tha thứ người có tội biết ăn năn.
  9. Sự nhân từ của Thiên Chúa dành cho hậu duệ của người công chính, như trong trường hợp của các tổ phụ (Abraham, IsaacJacob), dòng dõi của các vị này hưởng phước lành từ tổ phụ của mình.
  10. Thiên Chúa tha thứ những tội cố tình nếu người phạm tội ăn năn.
  11. Thiên Chúa tha thứ tội cố tình chọc giận Ngài nếu tội nhân ăn năn.
  12. Thiên Chúa tha thứ tội lỗi do sai lầm.
  13. Thiên Chúa xoá sạch mọi tội khi tội nhân ăn năn.

Bởi vì người Do Thái được đòi hỏi phải trở nên giống Thiên Chúa, imitatio Dei, các rabbi đem mười ba thuộc tính kể trên vào bộ luật Do Thái cùng các ứng dụng dành cho bộ luật.

Trong một tác phẩm tôn giáo kinh điển, Midrash, Avot de Rabbi Natan viết:

Một lần ở Jerusalem, khi Rabban Yochanan ben Zakkai đang rảo bước với Rabbi Yehoshua đến Đền thờ tại Jerusalem, khi ấy chỉ còn là một phế tích. "Khốn nạn cho chúng ta", Rabbi Yehosua than khóc, "vì ngôi nhà này, nơi đại lễ chuộc tội được hiến tế cho dân tộc Israel, nay chỉ là một nơi hoang tàn!". Nhưng Rabban Yochanan đáp lời, "Còn có một lễ chuộc tội khác cho chúng ta, cũng quan trọng không kém, ấy là thực hành gemilut hasadim (lòng nhân ái), như đã được chép trong Kinh Thánh, ‘Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ’".

Kinh Talmud Babylon dạy rằng "Rabbi Yochanan và Rabbi Eleazar giải thích rằng khi đền thờ chưa bị phá huỷ, bàn thờ là nơi dâng tế lễ chuộc tội cho Israel, nhưng nay, có một bàn thờ chuộc tội khác, ấy là khi người nghèo được mời làm khách viếng nhà" (Tractate Berachot, 55a).

Giáo nghi truyền thống của Những ngày Kính sợ - Days of Awe (những ngày lễ trọng: Rosh HashanahYom Kippur) chép rằng cầu nguyện, ăn năn và làm từ thiện (tzedakak) là cách bày tỏ sự ăn năn tội lỗi. Trong Do Thái giáo, tội lỗi phạm với người khác (không phải phạm với Thiên Chúa hoặc chỉ phạm tội trong lòng) trước tiên phải được sửa chữa bằng hết sức mình; nếu không chịu tận lực sống ngay thật và từ bỏ tội lỗi, thì không thể được xem là ăn năn thật.

Khái niệm về chuộc tội

Khái niệm về sự chuộc tội được luận giải trong Kinh Thánh Hebrew, tức Cựu Ước của Cơ Đốc giáo. Nghi lễ chuộc tội được thực hiện trong Đền thờ tại Jerusalem, cử hành bởi các tư tế Do Thái (Kohanim). Thánh lễ bao gồm ngân tụng, cầu nguyện và dâng hiến sinh tế (korbanot). Lễ Yom Kippur, Đại lễ Chuộc tội, được miêu tả trong chương 15 của sách Lê vi ký. Sinh tế là một con dê đực gọi là Azazel, bị đuổi vào hoang mạc là một phần trong nghi thức (Lê vi ký 16. 20-22)